VCCI kiến nghị bãi bỏ Quy chuẩn quốc gia về thép không gỉ

VCCI kiến nghị bãi bỏ Quy chuẩn quốc gia về thép không gỉ

Theo VCCI, việc đưa thép không gỉ vào danh mục hàng hoá nhóm 2 và phải kiểm tra nhà nước theo QCVN 20:2019/BKHCN là chưa phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá.

VCCI: QCVN 20:2019 chưa phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá 

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) gửi kiến nghị tới Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó, nhắc tới 2 nội dung cụ thể. Một là bãi bỏ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Thép không gỉ (QCVN 20:2019/BKHCN). Hai là bỏ thép không gỉ ra khỏi Danh mục hàng hoá nhóm 2 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

“Qua nghiên cứu, VCCI nhận thấy việc đưa thép không gỉ vào danh mục hàng hoá nhóm 2 và phải kiểm tra nhà nước theo Quy chuẩn 20 là chưa phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá. Thêm vào đó, Quy chuẩn này hiện đang hạn chế quyền tự do lựa chọn của người tiêu dùng và gây bất lợi cho hàng hoá trong nước được sản xuất từ thép không gỉ so với hàng hoá cùng loại nhập khẩu”, VCCI giải trình rõ lý do trong văn bản do Phó tổng thư ký Đậu Anh Tuấn ký gửi vào ngày 18/7.

Theo VCCI, việc quản lý thép không gỉ theo Danh mục hàng hoá nhóm 2 là không phù hợp. Điều 3.4 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá 2007 quy định “sản phẩm, hàng hoá nhóm 2 là sản phẩm, hàng hóa trong điều kiện vận chuyển, lưu giữ, bảo quản, sử dụng hợp lý và đúng mục đích, vẫn tiềm ẩn khả năng gây hại cho người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường”.

Trong khi đó, thép không gỉ là nguyên liệu để sản xuất ra các loại hàng hoá khác, trong đó có nhiều mục đích không tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn như làm đồ trang trí, bàn, ghế, khung tranh, cửa sổ, thùng rác, tay vịn cầu thang…

“Việc quản lý thép không gỉ sử dụng cho các mục đích này theo diện hàng hoá nhóm 2 là trái với Điều 3.4 của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hoá”, VCCI làm rõ. 

Có một số sản phẩm sử dụng thép không gỉ có thể gây mất an toàn như dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm (nguy cơ thôi nhiễm), các bộ phận chi tiết của các loại hàng hoá có nguy cơ mất an toàn khác như phương tiện giao thông, máy móc lao động, thang máy… Tuy nhiên, VCCI nhấn mạnh, các sản phẩm này đều đã có các Quy chuẩn kỹ thuật tương ứng với từng sản phẩm (dành cho dụng cụ tiếp xúc với thực phẩm, ô tô, xe máy, thang máy…).

“Như vậy, nếu cho rằng, Quy chuẩn 20 được xây dựng nhằm bảo đảm an toàn cho các sản phẩm này thì sẽ gây chồng chéo, trùng lặp về chức năng quản lý”, VCCI kiến nghị với Bộ Khoa học và Công nghệ. 

QCVN 20:2019/BKHCN hạn chế quyền lựa chọn hàng hoá của người tiêu dùng

Đặc biệt, VCCI cho rằng, QCVN 20:2019/BKHCN xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng khi hạn chế quyền lựa chọn hàng hoá phù hợp với nhu cầu.

“Có thể, cơ quan nhà nước cho rằng Quy chuẩn 20 giúp loại bỏ các loại thép chất lượng thấp trên thị trường, giúp người tiêu dùng được sử dụng hàng hoá chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên, đi kèm với chất lượng thì giá thành của sản phẩm cũng tăng lên. Nếu như trước đây người tiêu dùng được chủ động lựa chọn hàng hoá với chất lượng và giá cả phù hợp với nhu cầu thì nay Quy chuẩn 20 đã loại bỏ một số loại thép có giá thành rẻ, buộc người tiêu dùng phải bỏ nhiều tiền hơn để mua sản phẩm được làm từ inox có chất lượng cao hơn so với nhu cầu của họ”, VCCI phân tích thêm.

Ngay cả với phương án có QCVN 20:2019/BKHCN để giải tỏa lo ngại của cơ quan quản lý nhà nước về tình trạng một số doanh nghiệp lừa dối người tiêu dùng, cung cấp thép chất lượng kém nhưng quảng cáo là chất lượng tốt, VCCI cho rằng, trong trường hợp này, hệ thống pháp luật đã có đầy đủ các quy định xử lý hành vi lừa đảo, lừa dối khách hàng, quảng cáo gian dối, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng theo pháp luật hành chính và hình sự. Cơ quan nhà nước cần nghiêm khắc xử phạt các doanh nghiệp vi phạm chứ không nên ban hành Quy chuẩn kỹ thuật cấm một mặt hàng chỉ vì chất lượng thua kém mặt hàng khác. 

Quy chuẩn tạo thuận lợi hơn cho hàng hoá nhập khẩu

Liên quan đến những tác động của Quy chuẩn 20, VCCI cũng nhận thấy, Quy chuẩn này đang tạo thuận lợi cho hàng hoá nhập khẩu thay vì hàng hoá cùng loại sản xuất trong nước.

Cụ thể, các quy định tại QCVN 20:2019/BKHCN khiến thép không gỉ không thể nhập khẩu để làm nguyên liệu gia công hàng hoá trong nước. Tuy nhiên, hàng hoá sử dụng loại thép này lại không cần kiểm tra theo QCVN 20:2019/BKHCN và được nhập khẩu bình thường. Như vậy, QCVN 20:2019/BKHCN đang bảo hộ ngược, khiến các doanh nghiệp ưu tiên nhập hàng hoá thành phẩm thay vì nhập nguyên liệu để sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp gia công thép không gỉ trong nước phản ánh tình trạng họ mất toàn bộ thị phần trước hàng hoá nhập khẩu do không thể nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất.

Hỗ trợ trực tuyến

  • Liên hệ ngay.
    Email:

    ĐT: (08) 6682 3335 - Fax: (08) 6256 2218 

Ngày giờ hiện tại

21/11/2024
clock