1755176 | |
Số người đang online | 1 |
Số truy cập hôm nay | 737 |
Số truy cập tháng này | 55625 |
Thông tin từ Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, hiện tại, Cục Quản lý cạnh tranh đang tích cực trao đổi với các thương vụ tại nước ngoài, đồng thời phối hợp cùng Hải quan và Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại của VCCI - đơn vị cấp giấy C/O cho mặt hàng thép xuất sang EU để rà soát lại các dữ liệu, xác minh rõ vụ việc thép Trung Quốc “mạo danh” thép Việt để xuất khẩu vào EU.
Cơ quan chống gian lận thương mại thuộc Ủy ban châu Âu (OLAF) nghi ngờ số lượng thép (trị giá khoảng 19 triệu USD) là của DN Trung Quốc bán vào Việt Nam rồi để DN Việt Nam xuất khẩu sang EU với Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) Việt Nam nhằm tránh thuế chống bán phá giá.
Theo OLAF, đã có khoảng 190 chuyến hàng thép cuộn (trị giá khoảng 19 triệu USD) nhập khẩu vào EU trong giai đoạn 2013-2014 mang theo C/O Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp, phục vụ mục đích nêu trên.
Hiện nay, do giá thành rẻ cộng với sản lượng dư thừa lớn, thép Trung Quốc đã tác động không hề nhỏ đến lĩnh vực sản xuất thép của nhiều quốc gia, trong đó có cả Việt Nam. EU và một số nước đang có các hình thức ngăn chặn sự “xâm lấn” của thép Trung Quốc giá rẻ bằng việc tăng thuế chống bán phá.
Đơn cử, tháng 5/2016, Phòng Thương mại Mỹ đã phán quyết mức thuế chống bán phá giá 265,79%, thuế chống trợ giá 256,44% đối với thép Trung Quốc. Gần nhất, ngày 29/7, EU cũng đã thông qua mức thuế chống bán phá giá rất cao đối với một số sản phẩm thép thanh của Trung Quốc.
Ông Nguyễn Phương Nam, Cục phó Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho rằng, nếu thép Trung Quốc “mạo danh” thép Việt để xuất khẩu vào EU thì DN thép Trung Quốc sẽ được hưởng một khoản lợi nhuận khá lớn khi “né” được thuế chống bán phá giá. Trong khi đó, thương hiệu thép Việt khi xuất khẩu sang thị trường EU lại bị nghi ngờ dẫn đến bị điều tra oan, mất uy tín trên thị trường thế giới.
Có thể thấy, Việt Nam luôn gặp khó trong xuất khẩu thép bởi đây là mặt hàng khá nhạy cảm thuộc ngành công nghiệp cơ bản, các nước đều muốn phát triển và bảo hộ sản xuất.
Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, năm 2015 Việt Nam phải chịu 12 vụ điều tra chống bán phá giá, thì có tới 6 vụ về sản phẩm thép, trong đó 3 vụ do Malaysia và 3 vụ do Thái Lan khởi xướng.
Lý giải vì sao chỉ trong một thời gian ngắn, ngành thép đã bị vướng kiện chống bán phá giá nhiều đến vậy, đại diện VSA cho rằng, do lượng thép xuất khẩu của Việt Nam gần đây tăng cao, lại thêm giá bán ở mức khá thấp, khiến các nước đối tác sử dụng phương án kiện để bảo vệ sản xuất nội địa.
VSA nhận định, trong năm nay, thép Việt sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường Campuchia, Lào… trước sắt thép giá rẻ từ Trung Quốc đang dồn vào đây. Còn tại các thị trường Indonesia, Malaysia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ, thép Việt tiếp tục bị áp thuế chống bán phá giá ở mức cao, nên xuất khẩu sẽ khó khăn hơn./.
Theo Chinhphu.vn
|