Quy hoạch ngành thép thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu

Quy hoạch ngành thép thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu

“Vỡ trận”, “chết lâm sàng”, “khủng hoảng thừa”... là những gì đã từng xảy ra với ngành thép Việt Nam. Trong bối cảnh cung- cầu thép đang có những diễn biến bất thường, việc đầu tư vào ngành thép là một bài toán cần phải được cân nhắc dựa trên lợi ích của toàn xã hội.

Cách đây hơn chục năm, câu chuyện đầu tư “nóng” vào ngành thép đã từng xảy ra. Đến năm 2009, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) tiếp tục đưa ra cảnh báo về tình trạng đầu tư tràn lan dẫn đến thừa công suất chế biến thép. Nguyên nhân của tình trạng cấp phép tràn lan xuất phát từ việc “giao quyền” cho các địa phương. Hơn nữa, thời điểm đó, các địa phương đang đua nhau thu hút, trải thảm đỏ để mời gọi đầu tư nước ngoài. Vì thế, ngành thép lắm lúc “khốn đốn”, rơi vào cảnh “vỡ trận”, “chết lâm sàng”, “khủng hoảng thừa”. Thực tế đã chứng minh, nhiều nhà máy thép đã phải đóng cửa, ngừng hoạt động do cạnh tranh yếu, thiếu vốn… Xuất phát từ thực tế này, năm 2013, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2025 theo hướng ưu tiên đầu tư sản xuất gang, phôi thép từ quặng sắt, một số chủng loại sản phẩm thép tấm cán nóng, thép hợp kim, thép không gỉ.
 
Cho đến thời điểm hiện tại, theo thống kê của VSA, với mặt hàng thép xây dựng thông thường (thép cây, cuộn, hình), tổng công suất thiết kế hiện nay của các DN ước khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng mỗi năm chỉ tiêu thụ hơn 7 triệu tấn. Tương tự, khả năng đáp ứng phôi thép trong nước ở mức khoảng 12 triệu tấn/năm, nhưng tiêu thụ cũng chỉ ở mức 6-7 triệu tấn/năm. “Bản thân năng lực, công suất của chúng ta chưa phát huy được hơn và dư thừa lớn là do nhu cầu trong nước chưa tới”, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch VSA thừa nhận. Trong khi đó, các DN trong nước còn đang phải “chiến đấu”, cạnh tranh với thép “đội lốt” thép hợp kim NK về. Ông Dũng dẫn chứng, lượng phôi thép giá rẻ NK từ Trung Quốc đã đe dọa các nhà máy luyện thép trong nước, nhiều nhà máy buộc phải cắt giảm sản xuất, chỉ có khoảng 50% số nhà máy luyện kim còn hoạt động.
 
Như vậy, sản lượng thép trong nước hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép, tôn mạ kim loại và sơn phủ màu. Tính ra, công suất lắp đặt đã vượt tiêu thụ khoảng 50%. Phần còn lại, Việt Nam vẫn phải NK các loại thép chưa chế tạo được như thép cán nóng, phôi thép tấm, thép hợp kim...
 
Trong bối cảnh nhiều nhà máy chưa chạy hết công suất, việc đầu tư, bổ sung thêm các nhà máy vào quy hoạch đang là vấn đề được nhiều người đặt câu hỏi. Bài toán đầu tư vào đâu, đầu tư như thế nào cũng cần phải tính đến khi các bộ trưởng và quan chức cấp cao của các quốc gia sản xuất thép hàng đầu thế giới đã nhóm họp tại thủ đô Brussels của Bỉ, nhằm tìm cách tháo gỡ cuộc khủng hoảng nguồn cung thép dư thừa hiện nay.
 
Theo một vị chuyên gia trong ngành thép, trong quy hoạch thép giai đoạn 2007-2015, có xét đến 2025, thì đến năm 2025, tổng công suất thép cả nước mới đạt 20 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, chỉ tính riêng số dự án thép được cấp phép giai đoạn 2006-2008 đã có tổng công suất trên 30 triệu tấn/năm, gấp 1,5 lần với quy hoạch. Điều đáng nói là, sau đó việc cấp phép nhiều siêu dự án thép diễn ra khiến quy hoạch phải liên tiếp bổ sung (ví dụ như án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná- Ninh Thuận) nên công suất dự kiến lên tới trên 40 triệu tấn/năm.
 
Chậm khiển khai: Thiếu
 
Tuy nhiên, theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), có thể các chuyên gia nhầm lẫn vì cộng theo số liệu dự án đăng ký nhưng thực tế một số dự án không triển khai được, chậm triển khai so với quy hoạch. Hiện con số chậm triển khai so với quy hoạch là 20 triệu tấn. Ví dụ, dự án Quang Liên, Quảng Ngãi thu lại giấy chứng nhận đầu tư (5 triệu tấn thép); Liên Hiệp thép ở Hà Tĩnh 4 triệu tấn, dự án ở Quảng Ninh với 2 triệu tấn thép… “Vì thế, từ đầu năm 2015 Bộ Công Thương đã rà soát hoạt động ngành thép và đánh giá là thiếu hụt. Đến năm 2020 thiếu hụt khoảng 17 triệu tấn, kể cả Formosa đi vào hoạt động thì vẫn thiếu chừng đó. Đến năm 2025 sẽ thiếu 22-25 triệu tấn thép”, ông Hoài khẳng định.
 
Phải chăng vì vậy nên Bộ Công Thương đã "vội vã" bổ sung một số dự án thép vào quy hoạch? Trong quy hoạch phê duyệt năm 2013, danh mục các dự án đầu tư ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2025 đưa ra danh sách 44 nhà máy, cộng thêm 20 nhà máy đã được xây dựng trong giai đoạn 2007-2012. Tuy nhiên, không chỉ dự án thép Cà Ná- Ninh Thuận (tổng công suất 16 triệu tấn/năm) được bổ sung mà trước đó còn có rất nhiều dự án được bổ sung, nâng công suất nhưng không thuộc diện... quy hoạch. Cụ thể, Bộ Công Thương điều chỉnh đưa dự án “Nhà máy phôi thép Nghi Sơn” thành “Dự án liên hợp gang thép Nghi Sơn” của Công ty CP gang thép Nghi Sơn (tổng công suất thiết kế của 3 giai đoạn là 7 triệu tấn/năm, gồm 2 triệu tấn phôi vuông/năm, 5 triệu tấn phôi dẹt/năm). Hay “Dự án mở rộng nâng công suất sản xuất thép xây dựng chất lượng cao công suất 600.000 tấn/năm thuộc dự án đầu tư Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát giai đoạn 1” do Công ty CP thép Hòa Phát làm chủ đầu tư cũng được vào quy hoạch. Đây chỉ là những ví dụ điển hình và còn rất nhiều dự án khác cũng đã được bổ sung vào quy hoạch.
 
Chưa bàn đến hiệu quả các dự án, việc dần dần bổ sung các dự án vào quy hoạch ngành thép đã được phê duyệt khiến cho nhiều người tỏ ra “bức xúc”. Ông Hồ Nghĩa Dũng cho hay, quy hoạch ngành thép đã có song việc thực hiện không sát thực tế. Ví dụ, Tổ hợp sản xuất gang thép Formosa Hà Tĩnh cũng không nằm trong quy hoạch nhưng sau đó vẫn được đưa vào quy hoạch. Vì vậy, ông Dũng đề xuất: “Không nên quản lý các ngành bằng quy hoạch mà cần có định hướng phát triển. Theo đó, cơ quan nhà nước cung cấp thông tin thị trường, định hướng phát triển, nhu cầu tăng trưởng, vùng nào ưu tiên phát triển ngành thép… trên cơ sở thông tin đó, nhà đầu tư sẽ tự biết lựa chọn”.
 
Đầu tư thế nào?
 
Với câu hỏi “có nên tiếp tục đầu tư xây dựng thêm các nhà máy thép hay không?”, vị Chủ tịch VSA khẳng định: “Chúng ta vẫn phải đầu tư, nhưng vấn đề là tính toán, cân nhắc đầu tư ở giai đoạn nào, thời điểm nào, quy mô và công nghệ ra sao để kiểm soát môi trường và đảm bảo tính cạnh tranh khi sản phẩm ra thị trường”. Trong giai đoạn hiện nay, VSA cũng không khuyến khích đầu tư các dự án ở sản phẩm phôi thép và thép dài bởi lượng chênh lệch cung- cầu đang ở mức lớn. Còn với các sản phẩm như thép tấm, lá cán nguội, tấm cán nóng, thép hợp kim đặc biệt... thì các DN có thể cân đối phát triển, đầu tư thêm, bởi ở nhóm sản phẩm này, chúng ta đang có ưu thế phát triển, XK. Hơn nữa, nhiều sản phẩm trong nhóm này, Việt Nam chưa sản xuất được, mỗi năm nhập khoảng 5 triệu tấn để phục vụ cho sản xuất các sản phẩm và cơ khí dân dụng trong nước.
 
Về vấn đề quản lý, theo ông Dũng, cần quản lý bằng cách ra được bộ tiêu chuẩn kỹ thuật, thép muốn sản xuất phải đạt tiêu chuẩn dù ở bất cứ đâu hoặc quy mô 1.000 tấn, tiêu chuẩn thiết bị, tiêu chuẩn về môi trường. Bên cạnh đó, hình thành một vài tổ hợp 5 triệu tấn bởi chúng ta hiện có công nghệ hiện đại nhưng manh mún, rải cả nước, không tập trung nên không thể cạnh tranh được. Các tổ hợp này có thể tập hợp vào những nơi có cảng biển nước sâu như Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ngãi… Còn theo ý kiến chuyên gia Lưu Bích Hồ, nhiều ý kiến cho rằng, vùng ven biển không làm được dự án thép song ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, các dự án thép, hóa dầu đều làm ở bờ biển. Vấn đề ở đây là cần phải đảm bảo vấn đề xử lý môi trường, phải có đủ khả năng công nghệ để làm. Hơn nữa, việc đầu tư vào ngành thép lúc này cần phải “ngó” việc cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc. “Chúng ta không có cách nào cản trở thép Trung Quốc tràn sang Việt Nam bởi chúng ta đã hội nhập và cam kết giảm thuế theo lộ trình”, ông Hồ nói.
 
Một vấn đề khá nhạy cảm với ngành thép được nhiều chuyên gia nhắc tới là chính sách ưu đãi. Theo vị chuyên gia này, không nên dành ưu đãi cho các dự án sản xuất thép bởi sản xuất thép không khó như những ngành công nghiệp chế tạo khác. Do vậy, cần có chính sách ưu đãi cho các ngành cơ khí chế tạo vì những ngành này không dễ thu hồi vốn. Được biết, mới đây Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu, khuyến khích các thành phần kinh tế, các DN trong nước đầu tư sản xuất gang, phôi thép, thép thành phẩm, sản xuất thiết bị luyện, cán thép đạt tiêu chuẩn quốc tế; có chính sách ưu đãi đầu tư đối với các dự án sản xuất gang, thép hợp kim, thép chất lượng cao từ quặng sắt với quy mô lớn; hạn chế đầu tư sản xuất các sản phẩm trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng.
 
Nguồn tin: Hải quan

Giá vàng

Thành phố Loại Mua Bán
Hà Nội Vàng SJC 55.080 55.470
Hồ Chí Minh Vàng SJC - 10L 55.080 55.450

Tỷ giá

MuaChuyển khoảnBán
AUD 15 1516
CAD 17 1718
CHF 26 2627
CNY 3 33
DKK 0 33
EUR 26 2627
GBP 30 3031
HKD 3 33
INR 0 296308
JPY 159 160168
KRW 16 1819
KWD 0 8083
MYR 0 55
NOK 0 22
RUB 0 255283
SAR 0 66
SEK 0 22
SGD 17 1818
THB 600 666692
USD 24 2424

Hỗ trợ trực tuyến

  • Liên hệ ngay.
    Email:

    ĐT: (08) 6682 3335 - Fax: (08) 6256 2218 

Ngày giờ hiện tại

28/3/2024
clock